Kết quả và ý nghĩa Chiến_dịch_Tây_Nguyên

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã làm rung chuyển, đảo lộn cả thế trận của QLVNCH khiến cho QLVNCH thực sự hoảng sợ và hỗn loạn. Phía Quân Giải phóng miền Nam đã tận dụng thế trận này chiếm hết toàn bộ vùng cao nguyên, cắt những quân khu miền trung của VNCH ra làm đôi.. Điều này khiến cho chiến thắng đến với QGP với tốc độ nhanh hơn rất nhiều.[79] Theo báo Nhân dân: "Chiến dịch Tây Nguyên thực sự là đòn điểm huyệt quân đội Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975...mở đầu cho sự cáo chung của chế độ Sài Gòn"[80]

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Chiến dịch Tây Nguyên cũng tâm niệm và nhắc lại:

"Chiến thắng Buôn Ma Thuột mãi mãi là dấu son trên trang sử vẻ vang của quân đội ta. Nó là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị lâu dài của quân và dân Tây Nguyên. Nếu chúng ta đều biết tới hình ảnh từng đoàn dân công gồm cả người già, trẻ em của các buôn làng đã đi gùi đạn, gùi gạo, mở đường cho chiến dịch; nếu chúng ta biết tới những đồng chí cán bộ của Đảng đã từng cà răng căng tai, sống hàng vài chục năm với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để bám dân, bám đất xây dựng địa bàn, xây dựng chỗ cho chúng ta đứng chân mà đánh giặc; nếu chúng ta biết rằng trước khi chúng ta có xe pháo mà mở những trận đánh lớn như vậy đã có hàng ngàn đồng chí đi trước mở đường, mở địa bàn, giành đi giật lại với địch từng tấc đất trong điều kiện đói cơm, rách áo, thiếu thuốc men, thiếu vũ khí kéo dài hàng chục năm ròng để chúng ta có những quân hùng tướng mạnh mà đánh địch với thế mạnh như chẻ tre. Nếu chúng ta biết một cách đầy đủ tất cả những gì diễn ra trước khi có trận Buôn Ma Thuột, có mùa xuân cao nguyên 1975, thì chúng ta càng thấy tự hào hơn về Đảng ta, nhân dân ta và quân đội ta"[1]

Ý nghĩa về phương diện học thuật quân sự

Chiến thắng Tây Nguyên mang ý nghĩa lớn về học thuật. Tại đây, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã mục tiêu chủ yếu (Buôn Ma Thuật) vào đúng nơi hiểm nhưng yếu của QLVNCH và khiến cho nó "yếu" hơn bằng cách nghi binh điều QLVNCH lên hướng bắc, đồng thời bí mật cơ động lực lượng lớn về hướng nam, nhờ vậy Quân Giải phóng đã tập trung ưu thế áp đảo ở nơi cần thiết, tạo yếu tố bất ngờ. Quân Giải phóng đã bố trí thế trận hiểm, chia cắt chiến lược và chiến dịch địch, khiến các cụm quân của QLVNCH bị cô lập. Từ đó buộc QLVNCH phải chấp nhận các tình huống mà Quân Giải phóng đã dự kiến (thí dụ: do thế trận của Quân Giải phóng, QLVNCH chỉ còn một khả năng duy nhất là đổ bộ trực thăng xuống đường 21 sau khi mất Buôn Ma Thuật. Tại đây, Quân Giải phóng đã bố trí sẵn sàng Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25. Có nghĩa là QLVNCH đã rơi vào đúng kế, đúng định của Quân Giải phóng). Nắm thời cơ có QLVNCH rút chạy, phía Quân Giải phóng đã kịp thời và kiên quyết truy kích tiêu diệt QLVNCH, đưa QLVNCH đến thất bại chưa từng có.[81] Ngoại trừ một nguyên nhân khách quan rằng Quân đoàn II QLVNCH tự tan rã quá nhanh làm mất mát đến 1/4 lực lượng chính quy này.

Quân lực VNCH

Tổn thất quân sự và dân sự

Đại tướng Cao Văn Viên nhận xét: "Cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên là một thất bại chiến lược về phương diện quân sự. 75% lực lượng của Quân đoàn 2, gồm sư đoàn 23, biệt động quân, thiết kỵ, pháo binh, truyền tin và công binh bị hao tổn chỉ trong 10 ngày. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột cũng bị thất bại vì Quân đoàn không còn quân. Cộng sản chiếm được Kon Tum và Pleiku không tốn một viên đạn".[82]

Theo các nhà bình luận quân sự phương Tây, thất bại trong của cuộc rút lui của Quân đoàn II QLVNCH trên đường số 7 kèm theo những tổn thất rất nặng nề cả về quân sự và dân sự. Ít nhất 3/4 lực lượng của Quân đoàn II đã bị bắt sống hoặc đào ngũ[83] Cơ quan CIA tại Sài Gòn nhận xét rằng chỉ cần một sư đoàn rút về được đến ven biển với tổn thất tối thiểu cũng đã là một sự may mắn.[84] Số tài sản quân sự gồm xe tăng M48 Patton, xe bọc thép M-113, đại bác M-107 175 mm, đại bác HM-3 155 mm, đại bác HM-2 105 mm bị phá hủy hoặc rơi vào tay Quân Giải phóng lên đến con số hàng nghìn.

Phía Quân Giải phóng cho biết họ chỉ sau tám ngày cuối chiến dịch, họ đã loại khỏi vòng chiến 28.514 sĩ quan và binh sĩ QLVNCH, trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 người bị bắt làm tù binh, có 779 sĩ quan từ chuẩn úy đến chuẩn tướng; chỉ có 7.190 người được thả[40]. Họ đã thu giữ và phá 17.183 súng các loại, trong đó có 79 khẩu pháo từ 105 mm trở lên, gồm 48 khẩu pháo 105mm, 14 khẩu 155mm và 12 khẩu M107 175mm (mệnh danh Vua Chiến trường); phá hủy và thu giữ hơn 2.000 xe quân sự, trong đó có 207 xe tăng và xe bọc thép; bắn rơi 44 máy bay, thu và phá 110 chiếc khác của Không lực VNCH[40]. Về phía họ, chỉ tổn thất 56 người chết và hơn 100 người bị thương.[85]

Trong cuộc di tản hỗn độn, các sĩ quan và binh sĩ QLVNCH đem theo cả gia đình họ và cùng với những nhân viên dân sự chen chúc nhau trên con đường ngập cỏ, bụi cây đã rơi vào tình thế cực kỳ náo loạn và thậm chí còn bị chính máy bay của họ bắn nhầm trong một cuộc hành trình đầy nước mắt. Thậm chí khi các cây cầu bị phá hủy, đoàn xe dồn ứ lại, các xe quân sự vẫn lao đại qua sông rồi chìm nghỉm, thậm chí cán qua các xe khác. Những binh sĩ đào ngũ của VNCH lợi dụng cơ hội đã cướp bóc dã man nhiều gia đình sĩ quan và cả dân thường hoặc công chức chính quyền. Số binh sĩ bị chết do xe cán lên tới vài nghìn. Trong số gần 400.000 người di tản xuống đồng bằng thì chỉ có non một phần tư đến nơi, số còn lại tan rã, thất lạc tứ tán.[83][86] Cuộc thoái lui của binh lính và viên chức VNCH đã trở thành một cuộc tháo chạy tán loạn, vô tổ chức, vô kỷ luật, thể hiện sự yếu kém và hèn nhát của QLVNCH. Chính sự hoảng loạn này đã đẩy quá trình sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tới gần hơn[87]

Theo tính toán của Hoa Kỳ, sự tổn thất vượt quá mọi sự đo lường. Trong số 60.000 quân khởi hành thì chỉ có 20.000 về đến đích và hầu như không còn sức chiến đấu. Trong số 7.000 biệt động quân chỉ còn 700 đến đích. Sau trận Buôn Ma Thuột và cuộc rút lui thảm họa trên đường số 7, Quân đoàn II không còn thực sự hiện hữu như là một lực lượng chiến đấu tương xứng với quy mô của nó nữa.[88]

Nguyên nhân thất bại của VNCH

Nguyên nhân thất bại của VNCH xuất phát trước hết từ việc mất hết bình tĩnh khi đánh giá tình hình của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Nếu như trước đây, ông đã quá tin vào cơ quan tình báo quân đội nhưng đến khi bị gài thế về quân sự quá chặt, không kịp trở tay gỡ ra thì lại quay ra mất tin tưởng hoàn toàn vào tình báo quân đội. Từ khi Buôn Ma Thuột thất thủ, thái độ của Nguyễn Văn Thiệu đã làm cho cơ quan này mất sự tự tin và bản thân ông ta cũng coi cơ quan tình báo quân đội có cũng như không cho đến tận phút chót của cuộc chiến. Việc mất lòng tin vào cơ quan tình báo quân đội và kể cả vào CIA đã dẫn đến những sai lầm chiến lược quân sự của Nguyễn Văn Thiệu và ông ta đã bỏ ngoài tai những lời bàn thảo hợp lý của các tướng lĩnh, kể cả đại tướng Cao Văn Viên để rồi tự mình định đoạt mọi chuyện.[89]. Khi thiếu tướng Phạm Văn Phú khăng khăng đòi tăng quân để bảo vệ Tây Nguyên thì ông Thiệu đã đặt ra cho tướng Phú hai lựa chọn: hoặc là thi hành lệnh, hoặc là bị thay thế và ngồi tù để người khác thi hành lệnh. Và đương nhiên, tướng Phú chọn giải pháp chấp hành.[90]

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc thất thủ ở Tây Nguyên là sự quá tin tưởng của Nguyễn Văn Thiệu vào sự chi viện trực tiếp bằng quân sự của Hoa Kỳ. Trong khi cả Quân đoàn II của tướng Phú đang phải vật lộn sống chết trên đường số 7 và mặc dù biết rằng "nội một vài ngày tới, tình hình sẽ trầm trọng hết sức mau lẹ" nhưng ông vẫn hy vọng vào việc "đặt với Hoa Kỳ câu hỏi "yes or non" (có hay không) buộc họ phải dứt khoát có muốn giúp hay không". Trong khi đó thì lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jame Schlesinger sau khi được tin Phước Long thất thủ và lời an ủi của Thứ trưởng William Clement đã chứng tỏ phần nào việc Hoa Kỳ không muốn dính líu trở lại về quân sự tại Việt Nam.[91]

Nguyên nhân thứ ba làm cho việc thất thủ Tây Nguyên của QLVNCH là họ muốn một cuộc rút quân có tổ chức, có chỉ huy, có giữ bí mật nhưng chính sự yếu kém về tổ chức và tính linh hoạt khi xử lý các tình huống đã làm hại họ. Lực lượng đông, binh khí kỹ thuật nhiều nhưng lại kéo dài đội hình trên đường độc đạo nên khó tránh được ùn tắc. Đoàn quân này lại kéo theo cả hàng vạn thường dân, trong đó quá nửa là gia đình các sĩ quan, binh sĩ và công chức, rất khó tránh khỏi rối loạn khi gặp tình huống bất ngờ. Hy vọng duy nhất có thể trông cậy được là tính bất ngờ thì chỉ sau hai ngày cũng không còn. Khi bị đối phương chặn đánh quyết liệt thì sự tan rã không phải là điều khó hiểu. Báo cáo tường trình về cuộc rút quân của khỏi Tây Nguyên của Bộ tư lệnh Quân đoàn II trình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận: "Cuộc hành quân dự trù không có áp lực của đối phương; nhưng khi thực thi đã gặp áp lực nặng nề làm cho chỉ huy lúng túng không sao đối phó được".[92]

Nguyên nhân cuối cùng dẫn đến thất bại ở Tây Nguyên năm 1975 của QLVNCH là yếu tố tinh thần. Cuộc chiến kéo dài dai dẳng nhiều năm làm cho tinh thần binh sĩ sa sút. Sự bi quan trong các sĩ quan chỉ huy còn tăng thêm khi ngoại trưởng Trần Văn Lắm từ Hoa Kỳ trở về thông báo khả năng Mỹ tăng thêm viện trợ gần như không còn và phái đoàn của Quốc hội Hoa Kỳ cũng không hứa hẹn gì trong cuộc đi thăm chính thức hồi tháng 2 năm 1975. Khi rút quân, phần lớn các sĩ quan và binh sĩ QLVNCH đem theo cả gia đình. Lúc lâm trận, không ít người đã bỏ đi tìm người nhà thay vì xông ra giao chiến; và lòng trung thành của họ với gia đình nhiều hơn là với cấp chỉ huy đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần chiến đấu của họ.[83]

Từ thời chiến tranh Đông Dương 1945-1954, người Pháp và Việt Minh đều coi Tây Nguyên là mái nhà và là cái chìa khóa của Đông Dương. Mất các căn cứ cơ bản trụ cột phòng thủ cao nguyên mà trong tay không còn lực lượng dự bị cơ động nào khả dĩ nào để có thể xoay chuyển tình thế, QLVNCH ở vào tình thế rất nguy hiểm. Những lực lượng của họ tuy còn khá đông nhưng lại chiếm giữ một cách không chắc chắn dải đất hẹp ven biển miền Trung và có nguy cơ bị tấn công chia cắt bất cứ lúc nào. Quyết định bỏ Tây Nguyên và rút các lực lượng còn lại về cố thủ dải đồng bằng ven biển miền Trung của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc họp ngày 14 tháng 3 tại căn cứ quân sự Cam Ranh với các ông Cao Văn Viên, Trần Thiện KhiêmPhạm Văn Phú mặc dù có một trong những nguyên nhân là tình trạng suy yếu lực lượng của Việt Nam Cộng hòa lúc đó nhưng đã trở thành một lỗi lầm chí tử. Kế hoạch này cùng với viện thực hiện rút quân thiếu tổ chức không những không cứu vãn được tình thế của Quân đoàn II mà còn đẩy họ đến chỗ bị tiêu diệt và tan rã, mở đầu cho sự sụp đổ không tránh khỏi của Việt Nam Cộng hoà.[93]